Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

CHUYỆN TÌNH CỦA CÔ

Cô tôi là con út của ông bà Nội. Năm 13 tuổi, một cơn sốt kéo dài 3 ngày liền đã vĩnh viễn cướp đi của cô tiếng nói.
Mẹ tôi kể rằng: Mặt cô đỏ gay, nước mắt giàn dụa, cố cất tiếng gào nhưng không thể. Rồi cô nằm li bì 5 ngày trời liền, không một ai có thể đến gần. Năm đó mẹ tôi mới về làm dâu ông bà Nội. Bố tôi lại công tác xa nhà. Mẹ rất thương cô. Với mẹ, cô không chỉ là một người em chồng mà còn như một người bạn, một người con vậy.
Cô đã vĩnh viễn mất đi tuổi thơ. Bọn trẻ trong làng cứ dần xa lánh cô, thậm chí còn chọc ghẹo, gọi cô là “con câm”. Cô chỉ biết xà vào lòng mẹ tôi mà khóc nức nở.
Mẹ chứng kiến và kể lại với tôi cái ngày cô trở thành “con gái”. Đêm hôm đó, cô đã ôm chặt lấy mẹ, mà khóc thút thít. Cô không thể nói được, nhưng dường như mẹ hiểu tất cả những gì cô muốn nói. Ngược lại, cô luôn lắng nghe và làm theo những gì mẹ tôi dạy bảo.
Mẹ tôi kể rằng, con gái trong làng thời đó ít có người đẹp bằng cô. Nước da trắng hồng; đôi môi đỏ mọng; mái tóc dài, đen óng. Những buổi chăn trâu trên đồi, cô thường cắt những cây cỏ để về đun thành nước rồi hai chị em cùng gội đầu.
Mẹ sinh tôi lúc cô vừa bước sang tuổi mười tám. Tức là sau rất nhiều năm kể từ khi mẹ lấy bố. Mọi người trong cái làng nhỏ này đã xì xào bàn tán rằng mẹ tôi không biết sinh đẻ. Ông bà Nội buồn nhưng cũng chẳng trách giận gì mẹ. Mẹ cũng chỉ biết ôm cô mà khóc suốt những tháng năm dài bố đi công tác xa. Mẹ kể rằng, ngày tôi chào đời, cô cũng là người vui nhất. Niềm vui của cô được thể hiện bằng những giọt nước mắt chảy dài.
Rồi cái thời con gái của cô cũng qua mau. Từ khi tôi được sinh ra, mẹ cũng ít có thời gian gần gũi và chăm sóc cho cô. Cô trở nên lầm lì và khó gần. Người ta nói rằng con gái vào cái tuổi này mà không lấy được chồng là bị hâm. Vậy là người đời lại đặt cho cô một biệt danh mới.
“Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ngoảnh đầu nhìn lại đã gần hết một kiếp người” - Mẹ tôi vẫn thường hay than vãn như vậy.
Ngồi dưới gốc cây trứng gà, vạch mái đầu đã bắt đầu điểm bạc của cô, tôi trêu: “Cô già bằng mẹ con rồi”. Cô lặng lẽ mỉm cười, ánh mắt còn chứa đựng điều gì mà tôi không thể gọi thành tên.
Có lần tôi vô tình hỏi mẹ: “Mẹ ơi, ngày xưa cô Sáu có yêu anh nào không”. Tưởng mẹ sẽ lườm và cốc cho tôi vài cái nhưng mẹ lại im lặng và thở dài, một lúc sau mới cất giọng: “Có đấy, cô mày có yêu chú Thiểm ở làng Ngoài”.
Có lẽ đó cũng là thời gian đẹp nhất, những cũng thật ngắn ngủi trong cuộc đời của cô. Ngày đó, thỉnh thoảng mẹ thấy cô hay cười một mình. Có những hôm mẹ và cô đi làm đồng về, mẹ đã về từ lâu lắm mà vẫn không thấy cô về. Mẹ sinh nghi và bắt gặp cô lúng túng giấu gì đó vào trong nón.
Buổi tối khi mọi người đã tắt đèn đi ngủ, mẹ thấy cô cứ trở mình bên nọ sang bên kia rồi lại thở dài. Cô trở dậy khêu đèn rồi lay mẹ dậy. Điều nghi ngờ của mẹ đã được làm rõ: Cô đưa mẹ xem chiếc khăn mùi xoa được thêu hoa và gói mấy bông hoa Bưởi. Dưới ánh đèn, mẹ thấy cô mỉm cười. Mẹ như muốn bật khóc, rồi như để giấu những giọt nước mắt kia, mẹ giục cô tắt đèn đi ngủ. Và đêm đó, mẹ đã thức trắng, không chỉ bởi nhớ bố tôi mà nhiều phần vì vừa mừng vừa lo cho cô.
Mối tình đầu của người đàn bà câm, Bạn trẻ - Cuộc sống, Moi tinh dau, tinh yeu, hanh phuc, noi buon, dam cuoi
Những buổi tối sau đó, cô thường hay đi chơi về muộn. Mẹ đã “điều tra” và biết được rằng: người đàn ông bí ẩn của cô là chú Thiểm ở làng Ngoài. Chú Thiểm là bộ đội phục viên về làng; Khỏe mạnh, chất phác, ít nói, vẻ ngoài xù xì, khó gần. Có lần mẹ đã gặp riêng chú và nói chuyện. Chú đã tỏ ý rằng yêu thương và muốn lấy cô tôi làm vợ. Mẹ cũng bớt lo hơn.
Rặng tre bên bờ sông gần làng là nơi chú và cô tôi hay ngồi “tâm sự”. Gọi là tâm sự cũng đúng thôi bởi ngôn ngữ của tình yêu thì đâu chỉ thể hiện bằng lời nói.
Có lần mẹ tôi lại thở dài và than vãn với tôi: “Giá ngày đó tao đừng dạy bảo cô mày phải biết giữ mình thì biết đâu cuộc đời cô mày đã có một mụn con mà trông cậy.”
Gánh nặng gia đình và trách nhiệm của một người đàn ông đã khiến chú phải đưa cả gia đình vào Tây Nguyên làm kinh tế. Lẽ ra cô đã theo chú và có một mái ấm gia đình. Lẽ ra cuộc đời cô đã bớt hiu quạnh hơn nếu như năm đó ông bà Nội tôi không ốm rất nặng. Cô dứt tình mà ở lại để làm tròn chữ Hiếu. Mẹ và mọi người cũng đã khuyên bảo cô, nhưng cô đều không nghe. Những ngày tháng sau đó, cô lại lầm lũi, lặng lẽ… Mẹ tôi nói: Hình như ông trời đã buộc số phận cô như vậy rồi. Nhiều đám trong làng muốn ngỏ ý xin cô tôi về làm dâu nhưng cô đều từ chối.
- Sao ngày đó, mẹ và bố không liên lạc và đi tìm chú Thiểm cho cô?
Mẹ lại thở dài:
- “Cọc” sao đi tìm “trâu” được hả con ?!…
Rồi không biết tự bao giờ tôi đã ấp ủ một âm mưu “đi tìm trâu cho cọc”. Cái kỷ vật là chiếc khăn mùi xoa của cô cũng bị tôi “đánh cắp” một cách âm thầm.
Công việc của tôi có nhiều điều kiện để đi đến những vùng miền khác nhau. Đến mỗi một địa danh đều cho tôi một niềm hân hoan khám phá. Việc “khám phá” ra chú Thiểm có lẽ là một thành tích vĩ đại trong những chuyến đi của tôi.
Tôi đã đấu tranh không mệt mỏi với sếp và một số đồng nghiệp khác để giành được là 1 trong 3 người đi công tác trong Tây Nguyên. Thậm chí cuộc “đấu tranh” có phần quá sức của tôi đã bị một số bạn bè, đồng nghiệp “đặt câu hỏi”. Tôi dường như không để ý và đã vạch cho mình bao nhiêu kế hoạch cá nhân.
Mặc dù tự trang bị cho mình những kiến thức, tư liệu sách vở về mảnh đất và con người vùng này, nhưng tôi vẫn hoàn toàn bị bất ngờ với những gì được tận mắt chứng kiến. Là nắng, là gió, là đất đỏ trên mọi con đường.
Trước mắt tôi là một người đàn ông thật khó đoán tuổi. Mọi nét từ vóc dáng đến khuôn mặt đều mang những đặc trưng của người Tây Nguyên (theo suy nghĩ của tôi). Mái tóc dài hơn thông thường, nước da đen bánh mật, đôi mắt sáng và nhanh nhẹn, khuôn mặt có những vết rỗ to. Tôi để ý kỹ hơn đến vết sẹo dài cuối đuôi mắt trái. Tất cả toát lên vẻ gì đó dữ dữ và khó gần. Chỉ đến khi chú cất giọng nói thì cái cảm giác đó trong tôi mới dần mất đi.
- Con là người ngoài Bắc phỏng?
Cái giọng nói ấy, cái ngữ điệu lên giọng ở cuối câu ấy mới đúng là của người dân làng tôi rồi. Mặt chú đỏ dần lên, vết sẹo dài cuối đôi mắt trái bỗng nhiên giật giật, khi tôi đưa cho chú chiếc khăn mùi xoa - kỷ vật mà tôi đã cố tình đánh cắp của cô.
Tôi kể cho chú nghe về cô Sáu kể từ ngày chú đi (Tất nhiên là qua những gì mẹ tôi kể). Chú cũng kể tôi nghe về cuộc đời của chú. Tôi đã cố lắm nếu không đã bật thành tiếng mà khóc. Chú cũng đã trải qua những năm tháng đầy nước mắt, chỉ biết lao động để phần nào quên đi những nỗi đau kia. Những năm tháng quân ngũ đã cướp đi của chú khả năng được làm bố. Người vợ chú đã bỏ đi theo một người đàn ông khác cũng chỉ để thoả mãn khát khao được làm mẹ. Bù lại, chú có những đứa cháu - con của các em chú đều ngoan ngoãn, chăm chỉ và luôn kêu chú là “cha”.
Tôi muốn kết thúc câu chuyện về mối tình đầu của cô tôi bằng một đám cưới, một đám cưới mà có rất nhiều những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc. Cô tôi đã trở thành cô dâu ở tuổi 43. Vẫn còn đó là khuôn mặt tươi sáng, là ánh mắt chứa đựng những niềm hy vọng (điều mà trước đây tôi đã không thể gọi thành tên).
Còn chú rể không ai khác là chú Thiểm, người đàn ông với vẻ ngoài xù xì và một tâm hồn đầy tình yêu thương. Chú đã trở lại tìm cô sau hơn 20 năm trời biền biệt. Hai con người với hai số phận khác nhau nhưng ở họ luôn có những khát khao được hạnh phúc. Mặc dù niềm hạnh phúc kia sẽ không bao giờ được trọn vẹn.

TÌM

Nghe mùa về bên góc phố chiều nay
Tiếng lá rụng khẽ chạm vào nỗi nhớ
Cơn mưa nhỏ, ướt đôi bàn chân nhỏ
Bước lang thang quên mất lối đi về.

Con đường ấy giờ vẫn nhiều ngã rẽ                
Có lối nào về được tuổi hai mươi
Hơi thở vội, nụ hôn đầu cũng vội
Mưa giòn tan trên mắt ướt mi mềm.

Mưa dội về bao kỷ niệm nhớ quên.
Phần “nhớ” riêng em,
“quên” phần anh mãi mãi
Em chẳng tiếc phút ban đầu thơ dại
Gọi tên anh trong cả giấc mơ chiều.

Bờ môi nào vẫn dấu những lời yêu
Sợ mưa ướt nên tự mình mím chặt
Chợt đau nhói khi mưa nhòa trong mắt
Mưa và em đã giấu biết bao điều.

Mưa chiều nay nỗi nhớ thêm nhiều
Trong nhớ, quên và bao điều còn, mất                        
Em vẫn tin những phép màu có thật
Anh hiện ra nơi phía cuối con đường.

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

TÔI SẼ...

Tôi sẽ là ông lão làm thơ
Dù vần điệu có phập phù
Như tiếng nói của hàm răng móm mém
Dù tứ thơ có nhăn nheo như làn da đen sạm
Nhịp điệu thơ hổn hển
Như tiếng thở lúc đi dạo quanh vườn.

Tôi sẽ là ông lão biết hát ca
Những giai điệu chỉ một mình tôi có
Vẫn thì thầm như “lời của gió”
Những ca từ nhớ quên.

Tôi sẽ là ông lão biết yêu
Không hề bạc như tóc kia màu muối
Không đắng ngắt như cổ hỏng mỗi sớm mai trở gió
Không giá lạnh như đôi bàn chân mỗi đêm về
Dù “em” cũng như tôi
- Già nua và lẩm cẩm.

Tôi sẽ là ông lão biết làm việc
Những việc làm sẽ chẳng giống ai
Bắt sâu vườn mỗi buổi sớm mai
Quét sân nhà mỗi chiều buông tối.
(Dù có khi vặt quả tưởng sâu
Có khi quét những bóng mình tưởng rác).

………………

Mùa xuân này tôi mới ba mươi
Thấy mình trẻ và vẫn còn “xuân’ lắm.
Trái tim còn một tình yêu nồng thắm
Hát tình ca bằng chất giọng ngọt ngào
Vần thơ tình đôi lúc vẫn bay cao
Kìa! ngoài cửa bóng vợ về thấp thoáng.


Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

                   NỢ MÙA

Anh buộc lại chút gió mùa đã thổi
Trong một vòm kỷ niệm đã đi qua
Nghe tiếng gió thì thầm trên mái lá
Lòng anh thêm một nỗi nợ mùa.

Nợ một chiều em mãi đi xa
Anh dừng lại giữa một trời thương nhớ
Biết trái tim giận hờn vô cớ
Để thời gian đọng dưới gót chân mình.

Có phải anh đã mang kiếp đa tình
Lúc mùa sang thấy mình nặng nợ
Trái tim thêm một lần sắp vỡ
Bởi yêu em suốt đời nợ với mùa.

Một mùa thôi dẫu có bao nhiêu
Là nước mắt, nỗi buồn anh phải trả
Để trái tim không một lần dối trá
Nói lời yêu khi gió đã nghịch mùa.

Một lần thôi, rồi thời gian sẽ trôi
Dẫu chân anh có ngàn năm đứng lại
Buộc chút gió ở bên mình mãi mãi
Biết mong manh và anh sẽ nợ mùa.

                                                                             31.12.2010

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

NỊNH VỢ

Em đã là bạn gái của riêng anh
Vào một chiều gió mùa khẽ thổi
Mình trao nhau ánh nhìn bối rối
Ly cà phê những giọt đắng ngọt ngào

Em đã thành vợ của riêng anh
Trong một mùa yêu thương tràn ngập
Tự khi nào mùa đông ấm áp
Bữa cơm chiều ánh mắt vẫn trao nhau

Em đã thành mẹ đẻ của con anh
Vào một đêm anh trăng tròn bên gối
Tiếng khóc trẻ vỡ òa đêm tối
Những yêu thương không nói nên lời.

Em sẽ là bà ngoại của cháu anh
Vào một ngày chúng mình thêm tuổi
Mái tóc nào đã pha màu muối
Tiếng yêu thương nói mãi vẫn ngượng ngùng